Mẹ ruột tôi – bà Thẩm – lườm cho một cái sắc lẹm, Phó Gia Diêu lập tức cụp đuôi, lí nhí.
“Không cho thì thôi chứ làm gì dữ vậy… đó là đam mê của con mà.”
Tôi vội chen vào đứng giữa, khoác vai cả hai người dắt vô nhà.
“Cưỡi chứ sao không? Muốn cưỡi thì cưỡi! Heo to heo nhỏ heo đực heo nái heo mập heo ốm gì nhà mình cũng đủ hết! Miễn là em không sợ bị nó hất cho mấy phát thì muốn cưỡi mấy vòng cũng được!”
20.
Cho đến khi chính mắt thấy một con heo đực hất văng một anh trai lực lưỡng bay xa hai mét, bốn người lớn xúm vào mà không đè nổi một con heo, Phó Gia Diêu hết dám mở miệng đòi cưỡi nữa.
Nó tự động đứng cách xa mười mét, mắt sáng long lanh trong veo chưa từng thấy.
Tôi nhịn cười trêu nó: “Cưỡi nữa không?”
Nó ngập ngừng mấp máy môi nhưng không dám trả lời.
Cuối cùng con heo vẫn phải nhờ ông chú hàng xóm lái máy xúc đến kẹp mới hạ được, rồi mới giết mổ xong.
Xẻ thịt ra, mấy ông trong nhà tụm lại bàn xem miếng nào nướng miếng nào kho miếng nào luộc.
Mẹ tôi vốn sợ cảnh giết heo máu me, nên sáng sớm đã kéo tay mẹ ruột tôi đi tham quan vườn nho với luống rau xanh mướt mà bà chăm bón kỹ lưỡng.
Thấy mình rảnh rỗi, tôi chợt nhớ con heo nái Đa Hoa vừa đẻ lứa mới, lại nhìn trời hôm nay nắng ráo, trong đầu nhanh chóng nảy ra ý tưởng.
“Gia Diêu, không cưỡi được heo to thì đổi sang heo con nha? Đi, chị dắt em đi!”
Dọc đường, con nhỏ phấn khích đến mức muốn phát điên, cứ ríu rít khoe với tôi là nhất định phải quay video lại để chia sẻ lên nhóm bạn mê cosplay của nó.
Bình thường dù cosplay chuẩn cỡ nào cũng chỉ là giả, chứ leo lên cưỡi heo thật thì chất hơn hẳn – đúng là phá vỡ luôn ranh giới giữa các “thế giới” luôn!
Chỉ là… khi nó tận mắt thấy cảnh tôi cầm dao “xử lý” nhanh gọn hai “viên ngọc” của heo đực, tay nó đang nắm chân sau con heo con run như cầy sấy. Cuối cùng nó dứt khoát nhận luôn chức “quay phim viên”, hứa sẽ nghiêm túc ghi lại nhật ký chăn nuôi của tôi, thậm chí tính dựng thành… phim tài liệu.
Chuyện cưỡi heo thì từ đó im re, không nhắc lại nữa.
Có điều, đoạn clip đầu tiên ghi lại “lần đầu bế heo anh hùng” của nó vẫn bị nó lén up lên nhóm chat bạn bè.
Ban đầu chỉ định khoe để câu like, ai ngờ phản ứng trái chiều kinh khủng.
Có người mắng nó độc ác tiếp tay tội ác, nhưng cũng có người xem xong lại khen “sướng mắt”, “mặn mà nhưng phê”.
Con nhỏ tức muốn xỉu.
Hôm sau thì dỗi gì dỗi chứ vẫn hớn hở theo tôi về nhà ông bà nội bắt cá dưới ao.
21.
Nửa tháng trôi qua nhanh như chớp.
Mẹ ruột tôi kể từ khi được mẹ nuôi tôi dạy chơi mạt chược thì lập tức hòa nhập với đám phụ nữ trong xóm, trở thành “nữ thần tài bàn mạt chược” được yêu thích nhất, thua tiền chẳng hề chớp mắt.
Mỗi lần xong ván mà thắng chút đỉnh, bà ấy lại ngồi rung đùi cảm thán:
“Đúng là tin được mà, chuyện cười ở quê mới thật sự đỉnh, trên đời chuyện quái gì cũng có thể xảy ra.”
Rồi hôm sau đúng giờ lại lôi mẹ tôi đi hóng tiếp “drama mới nhất trên bàn mạt chược”.
Nhưng niềm vui nào cũng ngắn.
Kỳ nghỉ hè của Gia Diêu sắp hết, nó phải về thành phố đi học năm hai.
Tôi tự mình đưa họ ra khỏi làng.
Gia Diêu quyến luyến níu lấy tay tôi lắc lắc:
“Chị ơi~ chị ơi~ hay chị theo em về đi mà! Cái chuồng heo chứ gì, mình lên Hải Thành mở một cái cũng được! Em còn có thể giúp chị bắt heo, bắt tay không luôn nha!”
“Chị còn có thể nướng heo sữa với em nữa!”
Tôi bật cười, véo mũi nó:
“Không phải vấn đề là chuồng heo. Em ấy, còn nhỏ, chưa hiểu đâu. Sau này lớn thêm chút sẽ hiểu.”
“Gia Diêu, đừng quậy chị con.”
Mẹ ruột tôi – bà Thẩm – kéo tay tôi ra khỏi tay Gia Diêu, rồi nắm chặt tay tôi.
“Con yêu, mẹ hiểu vì sao con không muốn đi. Tình yêu của ba mẹ nuôi và các em dành cho con ngấm vào từng chuyện nhỏ nhặt nhất mỗi ngày, làm con không nỡ xa. Mẹ hiểu, nên mẹ tôn trọng quyết định của con.”
“Nhưng mẹ cũng chỉ có một điều muốn nhắc con: đừng tự đặt áp lực cho mình quá lớn, đừng quên con không chỉ có một cặp ba mẹ. Mẹ và ba vẫn luôn ở đây.”
Tôi mở rộng vòng tay, lần đầu tiên chủ động ôm bà ấy thật chặt.
“Con nhớ mà.”
Tôi vẫy tay tạm biệt họ.
Nhìn chiếc xe đi xa, xa mãi, cuối cùng chỉ còn là một chấm đen rồi biến mất hẳn.
Tôi bất giác nở một nụ cười nhẹ nhõm.
Như thể nhìn thấy con bé ngày xưa từng lén trốn đi khóc, giờ cũng bật cười trong nước mắt.
Tôi không phải đứa trẻ bị vứt đi, không ai cần.
Chưa từng là như thế.
Biết được điều đó thôi cũng đủ rồi.
Cảm giác như gánh nặng đè trên vai bao năm cuối cùng “rắc” một tiếng gãy ra, biến mất.
Tôi quay đầu, cắm đầu chạy về phía ba mẹ nuôi đang đứng ngóng mãi phía xa.
“Ba ơi mẹ ơi! Mình về nhà thôi!”
Nơi nào lòng thấy yên, nơi đó là nhà.
Xem ra, “ngôi nhà trong tim” của tôi, đã đến lúc phải xây thêm rồi. Hay ghê vậy đó!